Nếu nói về nền văn hoá đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, ta chắc chắn không thể không nhắc tới những làng nghề truyền thống lâu đời. Nghề truyền thống không chỉ là nét văn hoá, mà còn làm nên tên tuổi, thương hiệu của nhiều địa phương khác nhau. Trong ấy, sự tinh hoa của tay nghề nghệ nhân được tôn lên trong từng sản phẩm. Làm giấy dó là một nghề như thế. Tuy số lượng các làng nghề đã giảm đi rất nhiều so với xưa, nhưng chất lượng ở những địa phương còn sót lại vẫn vô cùng ổn định.
Nghề làm giấy dó xuất hiện từ rất sớm |
Nghề làm giấy dó xuất hiện muộn nhất cũng vào khoảng thế kỷ thứ III, chứng tỏ lịch sử dạn dày và lâu đời của nghề truyền thống này. Đây là nguồn cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, đặc biệt là in ấn kinh sách để lưu truyền. Bên cạnh những bức tranh truyền thống, có nhiều bộ kinh thư Phật giáo được người Việt khắc bản, in ấn trên giấy dó được lưu truyền đến đời nay, chứng tỏ nghề làm giấy dó từ xưa đã rất phát triển.
Giấy dó truyền thống |
Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó. Cây này còn có tên là cây Dó Giấy, Dã Gân, Dã Rừng và có tên khoa học là Rhamnoneuron balansae, thuộc họ Trầm. Cây dó giấy cao chừng 5-10m, một gốc thường có nhiều thân nhỏ, vỏ cây màu nâu nhạt hay xám, nhẵn, có nhiều sợi rất dai. Bên cạnh đó, cây có hoa rất đẹp và dùng làm thuốc bổ cực kì hiệu quả. Cây dó giấy thường mọc nhiều ở vùng Trung Du và miền núi như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hà Tây, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Tuy nhiên hiện nay ta có thể tìm thấy loại cây này được trồng ở nhiều nơi thuộc địa phận Hà Tây cũ và Hòa Bình.
Cần trải qua rất nhiều công đoạn để có thể cho ra đời một tờ giấy dó |
Mùa thu hoạch của cây dó vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Vào thời điểm này, người làm giấy bắt đầu đi bóc vỏ cây dó. Sau đó, vỏ cây được lột lấy lớp vỏ trắng, xé nhỏ và ngâm vào nước vôi.
Phần trắng của cây dó được tước và ngâm với nước vôi |
Bã dó thành phẩm |
Ngoài cây dó, để làm nên được tờ giấy, các nghệ nhân còn phải có thêm vỏ cây mò. Cây này cho một chất nhớt cần thiết để khi seo giấy, các tờ giấy khộng dính vào nhau. Đồng thời, nó cũng có tác dụng giúp giữ nguyên màu sắc của mực khi viết trên giấy. Bã dó được hòa vào một bồn nước (còn gọi là tàu) có pha nhựa cây mò. Hỗn hợp này gọi là “huyền phù” mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy.
Bào cây mò để làm giấy dó - đây là nhân tố khiến giấy dó có thể gỡ ra sau khi seo |
Công đoạn tiếp theo là seo giấy. Người thợ dùng “liềm seo” tức khuôn mành trúc hoặc nứa ken dày, chao đi chao lại trong bể bã dó. Bã giấy được múc vào liềm ở trong khuôn rồi dùng tay rung đều khi đủ độ dầy của tờ giấy mới thôi, đặt khuôn vào giá và cầm liềm đặt từng tờ giấy lên thành một chồng. Seo giấy là khâu quan trọng của nghề làm giấy. Nó thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ nhân và quyết định chất lượng của sản phẩm giấy.
Nghệ nhận đang seo giấy |
Các tờ giấy thành phẩm sau khi seo, được xếp thành chồng dày, nén kiệt nước, rồi phơi khô. Công đoạn này người ta gọi là biểu giấy. Giấy có thể biểu lên tường, lên các mặt phẳng để khô tự nhiên, nhưng cũng có thể dùng công nghệ sấy lò. Sau khi giấy được làm khô, khi đó người ta lại tiếp tục bóc, đóng thành tập. Tùy theo nhu cầu của những người đặt hàng, mà giấy được tạo thành những khuôn khổ khác nhau. Kích cỡ lớn nhất hiện nay các nghệ nhân seo được bằng tay là 120 x 80cm, chiều kích của liềm seo giấy và khổ của tay người seo.
Giấy dó sau khi seo, phơi khô, được bóc ra từng tờ |
Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc dòn gẫy, ẩm nát. Khi seo nó tạo ra cấu trúc dạng sợi liên kết với nhau tự nhiên kiểu mạng nhện, nhiều lớp, đa chiều. Chính đặc điểm này khiến giấy được sản xuất từ vỏ cây dó có tuổi thọ đến 500 năm, nên người xưa, không chỉ dùng in kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, mà còn in tranh dân gian. Đặc biệt hơn cả, là chất liệu này còn dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Các bạn nhỏ tham gia trải nghiệm làm giấy dó tại Hồ Văn - Văn Miếu |
Nếu hứng thú và muốn trải nghiệm làm giấy dó ngay trong nội đô Hà Nội thì không gian văn hoá Hồ Văn - Văn Miếu chính là nơi bạn nên tìm đến. Tại đây, cảnh làng quê Việt Nam xưa được tái hiện chân thực và sinh động, người thăm qua sẽ được tham gia trải nghiệm làm giấy dó, vẽ tranh dân gian, và rất nhiều các nghề truyền thống khác nữa.
Chi tiết về Hồ Văn - Văn Miếu xem tại đây
(Tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét