Nói về đồ chơi Trung thu, ta không thể không nhắc đến mặt nạ giấy bồi với đa dạng các hình thù chú Tễu, mặt nạ Thị Nở, mặt nạ ông Địa, hay mới hơn là mặt nạ superman, người nhện… Đây là món đồ chơi dân gian truyền thống được nhiều thế hệ yêu thích. Tuy nhiên, không mấy ai biết, đằng sau nụ cười thích thú của trẻ thơ là những giọt mồ hôi đầy tâm huyết của những người nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi.
![]() |
Mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi tuổi thơ |
Trên phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), còn duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) và vợ Đặng Hương Lan (60 tuổi) vẫn theo nghề làm mặt nạ giấy bồi. Gần 40 năm gắn bó với công việc này, nghề làm mặt nạ giấy bồi vừa mang lại thu nhập và lưu giữ giá trị của nghề truyền thống cha ông để lại.
![]() |
Gia đình nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi tại Hà Nội |
Ông Hòa cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ. Gia đình bà Lan có 7 anh chị em nhưng không có ai theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi 2 ông bà lấy nhau, bố vợ đã truyền nghề cho ông. Hiện nay, gia đình ông là gia đình duy nhất ở Hà Nội còn theo nghề này và làm quanh năm ngày tháng. Cũng dễ hiểu bởi một lẽ, mặt nạ giấy bồi chỉ bán được nhiều khi mùa Trung thu tới. Căn phòng rộng chừng 20m2 của ông bà được chia làm hai, một bên để ông ngồi bồi giấy làm phôi mặt nạ, một bên để bà xếp sản phẩm đã được làm hoàn thiện chờ đem đi bán.
![]() |
Những chiếc mặt nạ giấy bồi thô |
![]() |
Gia đình ông Hoà có 22 kiểu khuôn mặt nạ khác nhau, rất đa dạng và phong phú |
Nguyên liệu làm mặt nạ giấy bồi cần có hồ, giấy, sơn trang trí…". Hiện gia đình ông Hòa có 22 kiểu khuôn mặt nạ khác nhau. Mỗi khuôn cho một mặt nạ hình dáng khác nhau.
Công đoạn làm mặt nạ giấy bồi khá tỉ mỉ:
Đầu tiên phải nấu hồ, sau đó phết hồ vào những tờ giấy A4. Giấy này được bồi vào từng khuôn lần lượt từng lớp một. Khi đạt đến một độ dày nhất định, phôi mặt nạ đã hoàn thiện.
![]() |
Bồi giấy là công đoạn đầu tiên làm ra chiếc mặt nạ giấy bồi |
Bà Lan cho biết: "Để hoàn thiện mỗi chiếc mặt nạ đòi hỏi sự kì công, tỉ mỉ. Ai cũng có thể nắm được các bước làm, tuy nhiên, để có mặt nạ đẹp, mang đúng hồn cốt cần sự khéo tay và dành tâm huyết cho nó. Mỗi khi vẽ xong một chi tiết trên mặt nạ phải mang ra phơi ngay. Sau khi mặt nạ khô mới vẽ các phần khác".
![]() |
Bà Lan đang phơi những chiếc mặt nạ |
Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô, mà phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh, khó đeo. Vì thế, chỉ những ngày nắng, ông bà mới sản xuất còn ngày mưa thì tạm nghỉ. Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. “Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem. Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, một chút nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn.
![]() |
Tô màu thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của đôi tay nghệ nhân |
Gia đình ông Hòa không ngần ngại hướng dẫn cho những người có nhu cầu học nghề cách thức làm mặt nạ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai học được cách làm, bởi họ làm lấy số lượng, thương mại. Việc học hỏi không có tâm huyết như vậy sẽ khó duy trì và phát triển nghề này.
![]() |
Những chiếc mặt nạ chỉ được phơi vào những ngày nắng |
Trung bình mỗi ngày, gia đình ông chỉ hoàn thiện được khoảng 30 chiếc mặt nạ. Mỗi mặt nạ phải đặt lên, hạ xuống làm các bước ít nhất 7 lần mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 30.000-50.000 đồng/chiếc.
![]() |
Dù phải trải qua rất nhiều công đoạn để hoàn thiện nhưng mặt nạ giấy bồi được bán với giá thành khá rẻ |
Mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Hòa phải làm việc hết công suất. Vài năm trở lại đây, xu hướng người tiêu dùng trong nước ưa chuộng đồ chơi truyền thống. Vì vậy, nhà ông Hòa luôn nấp nập khách trong và ngoài nước tìm đến mua mặt nạ truyền thống.
Trẻ nhỏ chơi đùa với mặt nạ giấy bồi tại Hồ Văn - Văn Miếu |
Các em nhỏ tha hồ sáng tạo chiếc mặt nạ giấy bồi của riêng mình tại Hồ Văn - Văn Miếu |
Các bé thích thú tô vẽ mặt nạ giấy bồi, hãy cho bé đến ngay Hồ Văn - Văn Miếu đi thôi! |
Chi tiết xem tại đây
(Tổng hợp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét