Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Ý nghĩa tục xin chữ đầu xuân của người Việt

Không biết từ bao nhiêu nay, cứ mỗi năm vào mùa Tết là nhiều tục lệ cổ xưa được mọi người thực hiện. Bên cạnh nhiều lễ nghi thủ tục, những thú chơi của người Hà Nội cổ cũng vẫn còn tồn tại mãi như một bản sắc văn hoá truyền thống không thể nào mất đi của vùng đất kinh kỳ hoa lệ. Và tục xin chữ, xin câu đối ngày đầu năm cũng thế, nó vẫn còn tồn tại theo cùng năm tháng và theo những thói quen ngày lễ Tết của người Hà Nội.

Xin chữ đầu năm là tục lệ đầy ý nghĩa của người Việt 

Người Việt trọng chữ 


Từ xa xưa, chữ đã được người Việt trân trọng. Với quan niệm 'biết chữ' là chạm vào cánh cửa của tương lai, 'giỏi chữ' đi thi nếu đậu ra làm quan và 'một người làm quan cả họ được nhờ'... - vì thế người Việt trọng chữ gọi là 'chữ thánh hiền', nhà nghèo đến mấy cũng cố cho con học dăm ba chữ thánh hiền. 


Người Việt vốn trọng con chữ vì nét chữ là nết người 

Thế kỷ thứ XII, nhà Lý đã cho xây Văn Miếu và Quốc Tử Giám để dạy chữ và thờ ông tổ của Nho học. Bây giờ nhìn lại thì có nhiều suy nghĩ và quan niệm khác nhau về Nho giáo nhưng giai đoạn đó là những bước đi vào thời hưng thịnh nhất của thời kỳ phong kiến để đào tạo trí thức, đào tạo quan lại trị dân. 

Thế kỷ XIX, ở Thăng Long, hằng ngày có người quẩy đôi bồ đi khắp phố phường nhặt những mảnh giấy có chữ Nho dưới đất mang về đền Ngọc Sơn đốt, người ta quan niệm chữ thánh hiền viết trên giấy không thể để chân người đi đường giẫm lên như thế là thiếu tôn trọng. Đó là đạo đức hiếu lễ, đạo đức tôn sư của Nho phong. 


Chữ thánh hiền luôn phải được tôn trọng 

Chữ không chỉ ghi chép lại kiến thức, văn hóa mà chữ còn trở thành thú chơi. Xưa có tục thả chữ lên trời, các thầy đồ ăn tết Trùng cửu (ngày 9 tháng Chín âm lịch), ngày này họ lên núi uống 'hoàng hoa tửu' và ngâm thơ. 

Tết của người Việt xưa còn có tục treo câu đối trong nhà, ngoài cửa và tục xin chữ đầu xuân. Câu đối dù xuất xứ từ phương Bắc nhưng vào Việt Nam nó đã được các nhà nho sáng tạo trở thành những câu để đời có tính chân lý lâu dài. 

Vì chữ Nho có thể viết theo nhiều lối nên người cho chữ tùy tâm trạng, tùy hoa tay có thể tạo ra những hình tượng lạ mắt. 


Một nét văn hoá đẹp của người Việt 

Thực ra chuyện xin chữ diễn ra quanh năm, nhà nào tân gia hay có việc hiếu, hỷ, thượng thọ hoặc có sự kiện trọng đại người ta vẫn xin chữ treo trong nhà, người xin bày tỏ nguyện vọng và thầy đồ sẽ lục tìm trong các áng cổ văn để tìm chữ có ý nghĩa phù hợp. 

Tuy nhiên, việc xin chữ ngày Tết diễn ra phổ biến hơn, vì sao như vậy?  

Gọi Tết nguyên đán là theo âm Hán - Việt, nguyên là đầu tiên, đán là buổi sớm, nguyên nghĩa nguyên đán là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. 

Xin chữ đầu năm không đơn thuần chỉ là chữ mà trong chữ chứa đựng mong muốn, khát vọng sự mới mẻ, đổi thay. 


Trong chữ chứa đựng mong muốn về sự đổi thay 

Tết theo chu kỳ thiên nhiên là mùa xuân mà 'Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn', mùa xuân là bắt đầu của một năm nên xin chữ đầu xuân là hợp mọi nhẽ. 

Chữ thường được viết trên giấy đỏ, theo quan niệm của người phương Đông còn duy trì tới ngày nay, màu đỏ tượng trưng cho màu máu, màu của sự sống và sự tái sinh nên trong ngày Tết mọi thứ đều có màu đỏ: Hoa đào, câu đối, phong bao mừng tuổi, xưa giấy quấn pháo tép cũng bằng giấy nhuộm đỏ... 


Xin chữ đầu năm ở đâu?  

"Phố ông đồ" tại Hồ Văn - Văn Miếu 

Nếu ở Hà Nội, bạn có thể đến phố ông đồ ở Hồ Văn, thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Xem thông tin chi tiết về Hồ Văn tại đây 


Hồ Văn là địa điểm rất náo nhiệt vào những ngày đầu xuân

Ở Sài Gòn cũng có phố ông đồ nhà văn hóa Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP HCM). 


Từ người già đến trẻ con, ai cũng chăm chú xem ông đồ viết chữ 

Ở Hải Dương, bạn có thể tìm đến một số địa chỉ như : Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ Chu Văn An (thị xã Chí Linh); Đền thờ Mạc Đĩnh Chi (huyện Nam Sách); Văn Miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng); làng Tiến sĩ Mộ Trạch (huyện Bình Giang),… 


Đầu xuân 2018 nên xin chữ gì?  


Chữ Tâm (心): Theo lối viết tượng hình, chữ Tâm chỉ quả tim. Hiểu rộng ra, Tâm chỉ tâm trí, tâm hồn. Làm việc gì mà cũng đặt hết cả con tim và khối óc mình vào đó, tức là có "tâm" thì kiểu gì cũng sẽ thành công. 

Chữ Thành (成): Thành trong Hoàn Thành, có ý muốn nói tâm nguyện làm chuyện gì cũng được trọn vẹn. 


Ông đồ đang rất tập trung với con chữ 

Chữ Nhẫn (忍): Chữ Nhẫn bao gồm chữ Đao (刀 - con dao, cây đao) ở trên chữ Tâm (心 - trái tim, tâm trí). Chữ Đao biểu trưng cho kỷ luật, mang tính khách quan, bị động; chữ Tâm biểu trưng cho tâm hồn, mang tính chủ quan, tự do. Trạng thái Nhẫn cũng giống như bị dao đâm vào tim, tuy đau đớn nhưng vẫn phải bình tĩnh chịu đựng, không được hành xử hấp tấp. Càng vội vã sẽ lại càng làm cho mũi dao lún sâu hơn. 


Chữ Nhẫn được nhiều người xin trong ngày đầu xuân 

Chữ Trí (智): Bao gồm chữ Tri (知 - sự hiểu biết) và chữ Nhật (日 - mặt trời, ý chỉ sự sáng suốt, tỏ tường). Như vậy, Trí nghĩa là tinh thông tất cả, không gì là không biết. 

Chữ An (安): Bao gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái) - ý nói người con gái ở trong gia đình thì rất an toàn. Vì vậy, An mang nghĩa an toàn, bình an. 

Chữ Cát (吉): Chữ Cát gồm chữ Sĩ (士 - sĩ tử, người có chí khí) ghép với bộ Khẩu (口 - miệng) – lời mà kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp. Chữ này thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp của con người. 


Nét bút lúc mềm, lúc dứt khoắt, chỗ thanh, chỗ đậm nhấn nhá cực kỳ đẹp mắt và mang ý nghĩa to lớn 

Chữ Phú (富): Gồm bộ Miên (宀 - mái nhà), bộ Khẩu (口- miệng, miệng ăn) và chữ Điền (田- ruộng). Theo quan niệm người xưa, nhà chỉ có 1 miệng ăn mà lại có 1 thửa ruộng thì chắc chắn giàu có – đây cũng chính là ý nghĩa của chữ Phúc này, thể hiện mong muốn ấm no, sung túc. 

Chữ Hiếu (孝): Được ghép từ chữ Tử (子 - con) nằm dưới và chữ Thổ (土 - đất) nằm trên, cùng với dấu / tượng trưng cho thanh kiếm. Chữ này có ý chỉ người con chống kiếm đứng trông phần mộ của bố mẹ -chính là người con có hiếu theo quan niệm ngày xưa, sau khi bố mẹ qua đời con chăm lo mồ mả trong 3 năm. Chữ Hiếu mang hàm ý biết ơn và trân trọng công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. 


Tục lệ xin chữ là nét văn hoá đẹp của người Việt 

Chữ Đạo (道): Không chỉ mang nghĩa là đường đi, chữ này còn có ý chỉ lẽ phải, luân thường, đạo lý. 

Chữ Đức (德): Đức trong đức độ. 

Chữ Tài (才): Tài trong tài năng.


(Tổng hợp) 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét